Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

NHỮNG THÁCH ĐỐ TRONG NIỀM TIN

 Tin là một phạm trù rộng lớn, bao la đầy mơ hồ. Khi nói “tin” người ta thường đặt bao câu hỏi quanh hạn từ này. Tại sao phải tin? Lý do gì phải tin? Thế nào là tin? Tin thì được gì, mất gì? Tin ở mức độ nào để không bị xem là mù quáng? Tin đến mức độ nào thì được gọi là xác tín…?
Người đời thường nói: “Mất tiền là mất ít. Mất tình là mất nhiều. Mất lòng tin là mất tất cả”. Có thể thấy niềm tin hay lòng tin cần thiết và quan trọng cho cuộc sống con người biết chừng nào! Trong kiếp người mà không mang trong lòng niềm tin thì sẽ trở nên lẻ loi, cô độc. Nhưng nếu tin một cách mê muội, mù quáng thì dễ rơi vào trạng thái lầm lạc, tội lỗi.

Vậy nên, đức tin và lý trí là hai người bạn đồng hành nâng đỡ nhau trong kiếp người. Không thể xem trọng hoặc coi thường bất cứ phạm trù nào trong cả hai. Một nhà bác học đã nói: “Khoa học mà không có đức tin là tội lỗi, đức tin mà không có khoa học là mù quáng”.
Khi còn bé, tôi tin vào tất cả những gì người lớn, cha mẹ, thầy cô…dạy bảo. Tôi xem những điều đó hoàn toàn đúng và cứ thế mà vâng theo, mà thi hành không chút nghi ngờ, lưỡng lự, chống đối…
Đến tuổi trưởng thành, nhờ tích lũy kinh nghiệm sống từ việc học hỏi những người đi trước, trau dồi nghiên cứu từ môi trường học đường và xã hội. Tôi đã biết đặt câu hỏi và suy tư trước những lời nói, hành động của người khác. Từ đấy, tôi đã tin mạnh hơn hoặc nghi ngờ những gì đang xảy ra quanh tôi.
Trước khi đặt chân vào nhà Dòng, tôi vẫn ngưỡng mộ các bậc tu trì lắm lắm. Nhìn bên ngoài, giới tu sĩ luôn được nhiều tầng lớp khác của xã hội nể trọng, quý mến, ngưỡng mộ…bởi đức hạnh, sự hy sinh hãm mình, học thức…nói chung là trong nhân cách làm người. Nhưng khi ở trong chăn rồi tôi mới phát hiện, sao mà nhiều rận thế? Và tôi trở thành rận từ khi nào không biết. Càng đi sâu, càng tiến cao trong bậc sống của mình, tôi càng nhận ra nhiều điều khiến niềm tin thuở nào trong tôi dần bị xói mòn, lung lay.
Tôi ghét hai từ “anh em” vô cùng. Trước đây tôi đã từng rất thích nó, bởi khi chọn lối sống tu trì thì tôi phải ‘rời bỏ’ gia đình, bạn bè cùng nhiều mối tương quan khác. Đổi lại, tôi nhận được những người anh em mới. Những người chẳng quen, chẳng cùng sở thích, văn hóa, giọng nó, mà ăn chung, ở chung, làm việc chung như anh em một nhà. Quá lý tưởng, quá tuyệt vời.
Nhưng vấn đề cũng bắt đầu nơi hai từ “anh em”. Anh em kiểu gì mà chẳng tin nhau. Anh em kiểu gì luôn bêu xấu nhau. Anh em kiểu gì mà cứ phải hơn thua nhau. Anh em kiểu gì mà lại tìm cách loại trừ nhau bằng lối sống ‘thượng đội hạ đạp’, vu khống, nặc danh. Tôi phải chua chát ‘chế’ lại lời bài hát: “Ôi anh em là những niềm đau, là làm tim nhỏ máu” để ‘ca tụng’ hai từ anh em rất đỗi thân thương.
Trong số những người sống quanh tôi, có những người luôn tạo cho tôi cảm giác bình an, tin tưởng thật sự. Nơi họ, sự thánh thiện đạo đức luôn đi chung với lời nói và lối sống của họ. Tôi gọi họ là anh em bằng tấm chân tình thật sự. Nhưng cũng không ít người, sự thánh thiện và đạo đức nơi họ khiến tôi ghê sợ, luôn phải đề phòng, nghi ngờ.
Bởi họ thích chơi những trò dân gian rất hay: “Ném đá giấu tay”, “Ngậm máu phun người”, “Qua cầu rút ván”, “Thọc gậy bánh xe”… gây nên những xáo trộn, ngờ vực, bất an nơi cộng đoàn. Vậy mà tôi vẫn phải âu yếm gọi bằng mỹ từ “anh em thân mến”.
“Mất lòng tin là mất tất cả”. Đã nhiều lần tôi suýt đánh mất tất cả, những lúc ấy niềm tin trong tôi vỡ vụn, trôi tuột. Tôi như cánh buồm không gió, như thuyền không lái. Cứ trôi theo dòng đời các vô định, vô phương. Tôi buông xuôi, bỏ mặc tất cả.
Đã nhiều lần, trong bế tắc tôi kêu cầu Chúa nhưng đáp lại chỉ là sự thinh lặng, thậm chí tình trạng càng tồi tệ hơn. Những lúc như vậy khiến tôi hoài nghi và đặt câu hỏi: “Chúa mâu thuẫn với chính Ngài?” Ngài đã từng nói: “Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ thì sẽ được như ý”. Vậy mà tôi càng kêu gào, càng gõ, càng tìm thì lại nhận được những thử thách lớn lao hơn. Và như vậy tôi càng hoài nghi vì Chúa tiếp tục mâu thuẫn.
Ngài đã từng nói: “Không người cha nào khi con cái xin cái trứng lại cho cục đá, xin con cá lại cho con rắn, xin cái bánh lại cho bò cạp”. Tôi đã từng gặp những tình cảnh như thế và những ‘người cha’ như thế. Làm sao tôi không hoài nghi!
“Sau cơn mưa trời lại sáng”. Tôi vẫn chưa đánh mất niềm tin, chỉ cạn dần niềm tin mà thôi. Mong rằng trong thời gian tới tôi sẽ được đong đầy tình yêu của Chúa, để thêm tin Chúa, tin người hòng có nhiều nghị lực để tiếp tục tiến bước về phía trước.
                                                    
                                     Nhà Hậu-Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét