Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

THIÊN CHÚA SIÊU NHIÊN HÓA CON NGƯỜI



Từ tình trạng nguyên thủy, con người được siêu nhiên hóa ngay từ khi tạo dựng. con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nên con người trở thành thụ tạo cao quý. Con người được trao cho quyền làm chủ vạn vật. Truyền Thống và các Lời Huấn Dạy của Giáo Hội cho thấy chân lý này là con người được dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa” luôn luôn là trung tâm điểm của mạc khải Kitô giáo.
Con người, hình ảnh Thiên Chúa là một chủ thể cốt yếu để có thể hiểu được ý nghĩa Thánh Kinh về bản thể của con người. "Hình ảnh Thiên Chúa" là cụm từ được xem như là một định nghĩa về con người, bí nhiệm về con người không thể hiểu được, nếu tách rời con người ra khỏi mầu nhiệm của Thiên Chúa. Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta một nhãn quan về bản tính của con người, trong đó chiều kích thiêng liêng được hiểu như là một tổng hợp của các phương diện thể lý, xã hội và lịch sử con người. Và với sự tự do, con người đã kiêu ngạo, đã mất ân huệ ban đầu khi không tuân lệnh Ngài. Nhưng Thiên Chúa vẫn tìm cách cứu lấy con người theo kế hoạch của mình.
Con người từ tình trạng tội lỗi được trở nên công chính và hơn thế nữa được làm con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha. Bởi đâu con người được diễm phúc này, đó là nhờ tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Chính nhờ ân sủng mà con người không còn nô lệ cho tội lỗi, được biến đổi nên người công chính và lấy lại những gì đã mất. Điều này cho thấy con người là một thụ tạo cao cả ngay từ khi tạo dựng. Con người được siêu nhiên hóa ngay từ ban đầu và việc siêu nhiên hóa này làm cho con người không phải là thụ tạo tầm thường mà được thông dự vào thần tính Thiên Chúa.
I/ THIÊN CHÚA SIÊU NHIÊN HÓA CON NGƯỜI

1/ Thiên Chúa phác họa, bàn bạc để dựng nên con người

Trong hai trình thuật sáng tạo vũ trụ và con người, tác giả dùng từ và ý để nhận diện được tình trạng nguyên thủy của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Khi nói đến việc tạo dựng con người, là chóp đỉnh của tạo thành, lời văn mang một vẻ trịnh trọng đặc biệt để nói lên việc tao dựng và siêu nhiên hóa con người. Tác giả lại còn hình dung như Thiên Chúa suy tính, bàn bạc với chính mình trước khi làm việc quan trọng này: “Chúng Ta làm ra con người theo hình ảnh Chúng Ta”.
Thiên Chúa tạo dựng nên con người không có ý chỉ một người nào nói riêng, nhưng là loài người nói chung. Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa. Đây là ân sủng cao quý mà Thiên Chúa đã siêu nhiên hóa con người. Con người tính chất linh thiêng, gần gũi Thiên Chúa và cao trọng hơn các loài khác, vì có trí khôn và tự do. Giống như Thiên Chúa, con người được quyền bá chủ, cai quản muôn loài, như người đại diện của Thiên Chúa.[1] Khi nói đến việc sáng tạo trong sách Sáng Thế, Origène đã nhận định: “Thiên Chúa tạo dựng con người sau cùng, không phải vì con người ở bậc thang rốt hết trong các thụ tạo, mà vì họ là vua vũ trụ, xuất hiện sau khi vũ trụ đã được tổ chức”.[2] Thiên Chúa đã làm chủ khi tạo dựng và không nhờ cậy ai, chỉ có quyền năng Lời của Ngài phán mà mọi vật được dựng nên. Nhưng khi Ngài dựng nên con người thì Ngài đã bàn tính với sự trịnh trọng: Ta hãy dựng nên... Điều này nói lên một vị thế cao cả của con người và con người được trao ban cho quyền làm chủ đất đai, cây cối và thú vật. Mọi vật dựng nên mà Thiên Chúa không có cuộc bàn tính nào cả nhưng dựng nên con người thì Thiên Chúa đã có cuộc bàn tính trước: Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta. Đây là một kiểu nói trịnh trọng nói lên sự cao trọng của con người mà Thiên Chúa đã siêu nhiên hóa.[3]


2/ Tạo dựng con người.
Thiên Chúa sáng tạo con người từ bùn đất và qua hành vi nặn và thổi “sinh khí” vào nó. Kiểu nói này diễn tả hành động tạo dựng con người của Thiên Chúa rất cẩn thận và rất cao cả. Tất cả các hành động sáng tạo con người đều nói lên Thiên Chúa sáng tạo con người theo ý Ngài muốn và con người hoàn toàn tuỳ ở Thiên Chúa, đồng thời nói lên thân phận mỏng giòn của con người “là bụi đất” và cũng là loài có sinh linh có hồn sống động qua việc thổi “sinh khí” của Thiên Chúa.[4]
Tác giả Thánh Kinh dùng hình ảnh tay thợ gốm nặn thành con người. Con người là gì thì hoàn toàn ở ý Thiên Chúa. Tác giả hình dung việc dựng nên con người làm bằng đất để nói rằng bản chất con người là mỏng giòn, yếu đuối và con người có liên hệ mật thiết bụi đất. Thiên Chúa thở hơi sống vào mũi, qua đó Thiên Chúa ban sự sống: con người là từ bụi đất, nhưng sự sống là do Thiên Chúa ban, một ân huệ cao cả mà Thiên Chúa ban cho con người. Như vậy tác giả mô tả Thiên Chúa làm một việc cụ thể, nhưng tác giả không có ý nói con người được làm nên cách nào mà nói con người là bởi Thiên Chúa. Như thế, là loài có sự sống, con người gần với Thiên Chúa hằng sống. Nhờ sinh khí được thổi vào mà con người được tạo dựng và giống hình ảnh Thiên Chúa. Từ vật chất Thiên Chúa đã siêu nhiên hóa con người ngay từ khi tạo dựng.
Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ. Sự sáng tạo được thể hiện trong phái nam cũng như phái nữ, cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa trong sự bình đẳng giữa hai phái, và việc truyền sinh đều do ý Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ và người nữ được tạo dựng từ người nam. Như thế, hôn nhân có tính cách duy nhất và bền bỉ được bắt nguồn ngay từ bản chất đầu tiên, đồng thời việc truyền sinh là một ân sủng cao cả của con người được tham dự vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa (St 1,27-28).
Hành động “Nặn” nói lên cử chỉ đặc biệt Thiên Chúa tạo nên thân xác và thổi sinh khí là ban “Hồn” cho con người. Như thế Thiên Chúa ban đặc ân xác và hồn cho con người. Xác con người nhận được đặc ân trừ nhiên là bất tử; xác con người không bệnh tật hay già đi. Hồn con người là hơi thở Thiên Chúa thổi vào và tạo nên sự sống. Đây là sự sống thiêng liêng mà con người được tham dự vào sự sống Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài nên con người vượt trên mọi thụ tạo dường bao. Và con người được ban những đặc ân hồn xác, đặc ân nơi trí khôn và ý chí để con người hiểu biết, làm chủ bản thân và vạn vật. Hành động và những kiểu nói của Thiên Chúa đã lộ rõ ý nghĩa siêu nhiên hóa con người.
3/ Con người sa ngã
     Ân sủng sáng tạo ban đầu là điều tốt đẹp mà Thiên Chúa dành cho con người nhưng vì sự yếu đuối, ngày từ đầu con người đã phản bội Thiên Chúa và mang lấy ách tội lỗi.   Sa ngã[5] của con người nói lên việc tội lỗi xâm nhập và gây ra các thảm họa. Tác giả Sáng Thế chủ tâm mô tả một chuỗi những sự kiện vạch ra con đường con người đã đi, những sự kiện đem lại cho họ những hậu quả không thể đảo ngược. Tác giả mô tả những việc đó bằng một ngôn ngữ và với một hình thức tường thuật câu chuyện xảy ra bên trong giữa nhân loại và Thiên Chúa.
     Như vậy qua hành vi sa ngã của con người, con người đã phá vỡ kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa, tự mình xa rời Thiên Chúa. Con người mất đi sự hòa hợp với đồng loại và thiên nhiên, còn bản thân thì bị chi phối bởi các dục vọng, phải đau khổ và cuối cùng phải chết. Tội lỗi và hậu quả của nó được tác giả khái quát tình trạng xa rời Thiên Chúa của con người
Lời hứa ban ơn cứu độ[6] nói lên lòng chờ mong tin tưởng vào ơn cứu độ. Thiên Chúa không để cho con người bị thua thiệt và luôn tìm cách nâng con người lên. Từ ân huệ ban đầu, Thiên Chúa đã siêu nhiên hóa con người nhưng con người đã đánh mất, và rồi Thiên Chúa yêu thương, cứu con người khỏi tội và thần hóa con người trong máu Đức Kitô.


4/ Tham dự bản tính Thiên Chúa
Về ý tưởng thần học về tham phần vào bản tính Thiên Chúa, người ta có thể hiểu theo và nghiêng về một chiều hướng nào đó. Do đó sẽ có những cách hiểu bất cập hoặc thái quá. Để tránh bất cập, ta không nên nói rằng thông phần chỉ là kiểu nói hay thuộc phạm vi luân lý. Và cũng để tránh thái quá, ta không nên nhìn nhận Thiên Chúa và thụ tạo cùng chung một bản tính. Bất cập là thái độ chủ trương duy lý hay bán duy lý, muốn thủ tiêu mầu nhiệm. Thái quá tạo nên ngụy thần bí. Và vì vậy, các nhà thần học đưa ra hai ý kiến chung: thông phần vào Thiên Chúa, ở chỗ đạt được đối tượng là chính Thiên Chúa (khách quan). Còn chủ quan là có cái gì mới để đạt được đối tượng đó. Nhưng thực tại này là tùy thể và nhờ ân sủng, con người có thể chạm đến yếu tính Thiên Chúa. Tuy nhiên, ý kiến này muốn trốn khó hiểu của mầu nhiệm. Ý kiến 2 cho rằng trong nội tại của con người có một thực tại; thực tại này là một phần bản tính Thiên Chúa, con người nên giống Chúa theo mức độ “động và tĩnh”.
Người ta xét thông phần bản tính Thiên Chúa theo thể Động, nghĩa là thông phần trí năng, thông phần đạt được yếu tính Người ở trần gian bằng việc hưởng kiến, và thông phần ý chí là có sự sống của Thiên Chúa. Còn xét thông phần theo thể Tĩnh, thì con người thông phần bản tính Thiên Chúa bằng cách loại suy.
Sự thông phần bản tính Thiên Chúa của con người cũng theo cấp độ khác nhau; thông phần cách chất thể của loài vô linh là dấu vết Thiên Chúa, còn thông phần cách mô thể của loại con người đó là hình ảnh Thiên Chúa. Thông phần bản tính Thiên Chúa của loại con người chuyển thông từ Thiên Chúa vào thụ tạo. Có ba cuộc chuyển thông; thượng ngôn chuyển thông hữu thể cho nhân tính nơi Đức Kitô, Thiên Chúa tự chuyển thông mình vào tâm hồn người được công chính hóa, rồi vào tâm hồn các thánh nhân. Trong ba cuộc chuyển thông này, chuyển thông đầu tiên được thực hiện một cách trực tiếp, hai chuyển thông sau được thực hiện qua ân sủng và ánh quang. Hơn hết, chuyển thông nơi Đức Kitô mang tính bản thể và trực tiếp, còn chúng ta được thực hiện cuộc chuyển thông chỉ mang tính tuỳ thể và gián tiếp.[7]

II/ NHỚ NHUNG ÂN HUỆ BAN ĐẦU

Trong Cựu ước, vì lỗi phạm mà dân Chúa phải đi lưu đày, Giêrusalem bị bỏ rơi và thất sủng. Giờ đây họ chỉ biết khóc than cho số phận và nhớ nhưng những điều tốt đẹp ban đầu mà Thiên Chúa ban cho họ. Nay họ tan mác khắp nơi và chịu nhiều nỗi khổ đau và đền thờ Giêrusalem thì đã bị phá hủy. Họ than trách “cha ông chúng con phạm tội, nhưng đã khuất, chúng con nay gánh chịu vạ các ngài gây nên”[8]. Biết bao điều khổ cực làm cho họ nhớ lại đời sống tốt đẹp xưa kia và khấn nài Đức Chúa thương đến họ và đưa họ trở về: “Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Đức Chúa, để chúng con trở về. Xin đổi mới cuộc đời chúng con cho được như thời xa xưa ấy”[9]. Khi đi đày, họ ước mong về đền thánh Chúa: “Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng”[10]. Họ nhớ nhung biết bao về đền thánh khi ở nơi đất khách quê người. Họ mong được trở về quê hương xứ sở để có một cuộc sống hạnh phúc trong ân sủng của Thiên Chúa: “Một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày. Thà con ở cổng đền Thiên Chúa vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân!”[11]
Cũng trong sự nhớ nhung, hối tiếc, ông Gióp từ một người sang trọng trở thành kẻ thấp hèn. Và ông Gióp được mô tả là một người đàn ông công chính trước mặt Thiên Chúa, thực sự là người đàn ông công chính nhất được tìm thấy trên trần gian, nhưng Sa-tan cho rằng ông được công chính là do nhận được phúc lành Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đặt một hàng rào bảo vệ ông và đã chúc lành cho ông vượt qua tất cả. Do đó, ma quỷ đã dùng mọi cách để thử thách ông. Thách đố đến từ sự ác liệu có làm cho ông chê trách Thiên Chúa và phá bỏ sự bảo vệ của Ngài hay không. Đau khổ của ông Gióp đã làm cho ông nhanh chóng càng ngày càng tồi tệ hơn. Đau khổ của ông rất mãnh liệt đến nỗi ông thấy mình đang ngồi trên một đống phân, nguyền rủa ngày ông được sinh ra, và khóc lóc trong đau khổ không ngừng. Ngay cả vợ của ông khuyên ông nguyền rủa Thiên Chúa, và chết đi để thuyên giảm đau đớn của mình. Ông đã luyến tiếc nhớ nhung một thời vàng son của mình. Ông muốn đừng có cảnh khổ cực này xảy ra: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời”[12] Tuy nhiên ông không một lời quở trách Thiên Chúa và ông chấp nhận mọi điều xảy đến với ông: “chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao? " Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi.[13] Do trung thành với Thiên Chúa mà ông đã được Chúa đoái thương, gìn giữ ông và trả lại tất cả mọi tài sản, danh dự cho ông gấp trăm lần xưa kia.

III/ ÂN SỦNG CỨU ĐỘ VÀ THẦN HÓA CON NGƯỜI

1/ Con người đánh mất ân sủng và gây hậu quả
Tội nguyên tổ đã làm cho con người mất ân sủng và đẩy con người vào vòng nô lệ tội lỗi. Do đó con người đành phải hư mất trong cái chết mất hết tự do. Đánh mất ân sủng, con người làm hư mất hình ảnh Thiên Chúa mà Ngài đã dựng nên, và mất đặc ân trừ nhiên. Mất các đặc ân, xác con người không còn bất tử và mất luôn điều mà “con người sẽ sống mãi ở trong Lạc Viên thân mật với Thượng Đế”[14]. Tội làm mất đặc ân không hư nát mà Thiên Chúa ban cho con người ngay sau khi phạm tội. Mất ân sủng làm cho con người trầm luân trong tội lỗi và cuộc sống lầm than khổ cực. Tuy nhiên, con người cũng không bị mất ân sủng đời đời, mà sau khi nguyền rủa kẻ gây cớ cho nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa sẽ ban ơn cứu độ cho con người. Và Thiên Chúa đã có kế hoạch cứu độ và lấy lại ân sủng cho con người qua Đức Ki-tô. Nhờ Mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa đã đưa con người vào lại trong mối tương quan với Ngài khi tuân giữ lề luật và tôn thờ Thiên Chúa như thánh Gioan đã nói: “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có”[15]. Đó là cách thế duy nhất để con người lấy lại ân sủng thuở ban đầu và tham dự vào nguồn ân sủng sung mãn vô bờ nơi Thiên Chúa”.
2/ Ân sủng làm cho con người nên công chính
Con người đã đánh mất ân sủng ban đầu và Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài để ban lại ân sủng và cứu chuộc con người. Thiên Chúa không muốn con người phải hư mất. Nên Thiên Chúa chuẩn bị một cách thế này để cho con người được tham dự vào Tình Yêu của Ngài. Trong Cựu ước, một hình ảnh tiên trưng để cứu độ dân Ngài là con chiên bị sát tế và máu nó đã cứu dân Ngài khỏi cảnh diệt vong. Và Tân ước nhắc lại hình ảnh máu con chiên bị sát tế trong Cựu ước đó để nhắm đến một cuộc hiến tế của chính Con Chiên Vẹn Toàn là Đức Ki-tô cho nhiệm cuộc cứu độ. Cái giá máu của Đức Kitô đổ ra để “chuộc lấy” hay “trả giá đắt” cho một cuộc trao đổi và chiến thắng sự dữ. Thánh Phaolô diễn tả cuộc trả giá nhưng không mà con người nhận được từ Thiên Chúa. Máu của Đức Kitô đã lập nên Giao ước vĩnh cửu để ký kết với nhân loại. Điều này được chứng thực, khi Đức Ki-tô mặc lấy xác phàm và “máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”[16]. Ân huệ mà con người nhận lãnh từ Thiên Chúa không phải do công trạng của mình, nhưng chính Thiên Chúa ban cho nhân loại. Con người đã đánh mất ân sủng trong vườn Địa Đàng và chẳng còn đáng được hưởng nữa, nhưng vì lòng khoan dung và yêu thương của Thiên Chúa, “chúng ta được Thiên Chúa tiếp nhận và cứu chuộc, cuộc đời chúng ta được khắc ghi trong chân trời ân sủng”[17]. Ân sủng là một ân ban nhưng không, khởi xuất do lòng sủng ái của Thiên Chúa và nhờ có ân sủng mà con người lấy lại được những gì đã mất, không còn nô lệ cho tội nữa. “Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng”(Rm 6,14). Và “Ân sủng là một ân huệ, một trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban để chúng ta đáp lại tiếng gọi của Người : Trở thành con cái Thiên Chúa, làm nghĩa tử, tham dự vào bản tính Thiên Chúa và vào sự sống đời đời”.[18] Thực vậy, khi con người đón nhận ân sủng là con người sống trong tương quan tình yêu và lấy lại hình ảnh tinh tuyền ban đầu lúc tạo dựng.
Nhờ ân sủng, con người được công chính hóa, con người không còn là tội nhân trước mặt Chúa. Thiên Chúa yêu thương và ban ân sủng cho con người, nhưng đàng khác con người phải hoán cải chính mình, để tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. ơn công chính hoá sẽ mở đầu cho sự cộng tác giữa ân sủng Thiên Chúa và sự tự do của con người.[19] Ơn công chính khai hoá con người nội tâm và cải biến toàn bộ con người : “Giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi, mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa, anh em được kết quả là được trở nên thánh thiện và rốt cuộc được sự sống đời đời”[20].
3/ Ơn công chính thần hoá và làm cho con người nên nghĩa tử
Ân sủng là việc biến cải con người nên hoàn thiện và được Thiên Chúa ở cùng. Điều này cho thấy con người liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, nhưng con người được trả lại hình ảnh Thiên Chúa nơi mình và phục hồi tình trạng thuở ban đầu. Ân sủng phát sinh do việc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, đồng thời ân sủng này được Thiên Chúa trao ban qua Đức Kitô cách nhưng không. Con người được thần hoá là nhờ vào sự hiệp nhất trong tình yêu và ân sủng mà Thiên Chúa đã thiết lập trong mối tương quan Ngôi vị của Thiên Chúa. Đó cũng là kết quả của sự hiện diện hữu thể của Thiên Chúa.
Nhờ ơn công chính con người được tham dự bản tính Thiên Chúa, từ thù nghịch thành bạn hữu của Thiên Chúa và là người nhà của Thiên Chúa. Ơn công chính hoá như là mối tương quan tử hệ của con người với Thiên Chúa “Anh em không lãnh nhận thần khí nô lệ để anh em phải sợ hãi, trái lại anh em đã lãnh nhận Thần Khí ban ơn làm nghĩa tử; nhờ đó, chúng ta kêu lên Abba, lạy Cha. Chính Thánh Thần chứng thực cho linh tính ta rằng, chúng ta là con cái Thiên Chúa, mà nếu đã là con, tất cũng là kẻ thừa tự, thừa tự của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Kitô. (Rm 15,17). Theo Giáo Lý Công Giáo: “Được làm nghĩa tử tức là nhờ Ân sủng con người được tham dự bản tính Thiên Chúa, được ban một giá trị thực sự chiếu theo sự công chính của Thiên Chúa. Đó chính là một quyền do Ân sủng, một quyền đầy đủ của tình yêu làm cho ta đồng thừa tự với Đức Kitô và đáng được lãnh nhận gia tài đã hứa là sự sống đời đời[21]. Ơn công chính hóa làm cho con người hoán cải, giải thoát con người và thanh luyện tâm hồn khỏi tội lỗi nghịch với tình yêu Thiên Chúa. Chính nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, chúng ta được công chính hóa nhờ bí tích Thánh tẩy và ơn công chính hóa ban cho ta sự sống vĩnh cửu. Ơn công chính hóa không những trả lại cho ta ơn siêu nhiên hóa ban đầu mà con cứu chúng ta khỏi tội lỗi, làm cho ta trở nên nghĩa tử Thiên Chúa, có nghĩa là con người chúng ta được thần hóa, cao trọng gấp bội tình trạng nguyên thủy. Và con người được sống trong tương quan với Thiên Chúa: “Nhờ Chúa Kitô, Thiên Chúa cho ta những sự cao cả Ngài đã hứa, do đó chúng ta thông phần bản tính Thiên Chúa”[22]. Nhờ ân sủng, tài năng con người có thể chạm đến yếu tính của Thiên Chúa.
Kết luận
“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8) như thánh Gioan đã nói. Cho nên khi dựng nên vũ trụ này, vạn vật trong đó đều tốt đẹp. Hai tường thuật công trình sáng tạo của sách Sáng Thế nói rõ rằng con người được tạo dựng nên không phải như là một cá nhân đơn độc mà con người hiện hữu trong mối tương quan với Thiên Chúa, trong mối tương quan với những người khác và trong mối tương quan với thế giới và với chính mình. Con người là loài cao cả như Thánh Vịnh đã nói: "Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân" ( Tv 8, 6-7). Trong Hiến Chế Gaudium et spes nói đến việc con người được siêu nhiên hóa: "Thật vật, Thánh Kinh dạy rằng con người được dựng nên "theo hình ảnh Thiên Chúa", có khả năng hiểu biết và yêu thương Đấng Tạo Hoá dựng nên mình, là Đấng đã thiết định con người làm chủ nhân mọi tạo vật trần thế, để thống trị chúng và để dùng chúng làm vinh danh Chúa"[23]. Có thể nói "hình ảnh Thiên Chúa" là định hướng căn bản của con người hướng về Thiên Chúa, là nền tảng của phẩm giá con người, là cùng đích và là việc nhận lấy quyền làm chủ vạn vật. Như vậy, “hình ảnh Thiên Chúa” là khuôn mẫu tạo nên con người và từ khuôn mẫu đó làm cho con người được siêu nhiên hóa ngay từ ban đầu lúc tạo dựng.

Con người sa ngã và ân sủng nơi máu cứu chuộc của Đức Kitô biến cải con người thành thụ tạo mới và lấy lại điều đã mất. Công chính hóa đã làm cho con người cao cả hơn lúc ban đầu là con người được thần hóa và trở nên nghĩa tử của Ngài. “Được làm nghĩa tử tức là nhờ Ân sủng được tham dự bản tính Thiên Chúa, được ban một giá trị thực sự chiếu theo sự công chính của Thiên Chúa. Chính đó là một quyền do Ân sủng, một quyền đầy đủ của tình yêu làm cho ta đồng thừa tự với Đức Kitô và đáng được lãnh nhận gia tài đã hứa là sự sống đời đời”[24]. Lời khẳng định này nói lên rằng con người nhờ có ân sủng mà được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa và Thiên Chúa ban ân sủng để cho con người được tham dự vào sự sống đời đời. Ngoài Thiên Chúa ra, con người không thể có được sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa ban ân sủng để mời gọi con người đáp trả lại lời mời gọi của Ngài, để được tham dự vào bản tính Thiên Chúa.

 NVT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét