Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Tháng Các Linh Hồn - Tìm Hiểu

Nguồn gốc lễ Cầu hồn và tháng Các linh hồn
Theo Xuanha

Theo sách vở ghi lại, thì thánh Odilo (962- 1048) là viện phụ đan viện Cluny. Đan viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Germany.
Ngài là người thánh đức, thường cầu nguyện, hi sinh , và dâng lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời.

Truyện kể rằng:

Một hôm, một đan sĩ Dòng ngài đi viếng Đất thánh Giêrusalem. Trên đường trở về Đan viện Cluny. Tàu chở đan sĩ bị bão đánh giạt vào một hòn đảo. Tại đó, đan sĩ gặp một ẩn sĩ và được ẩn sĩ cho biết:
"Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường nghe các tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng của ngài rằng: ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế, xin thầy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau khổ. Đó cũng là niềm vui cho các thánh trên Thiên đàng và là sự đau khổ cho quỉ dữ dưới Hỏa ngục".
 Sau khi nghe biết sự việc này, cha Odilo đã lập lễ Cầu hồn vào ngày 2 tháng 11 và trước hết cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói năm 1030). Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và tới giữa thế kỉ 10, Đức Giáo hoàng Gioan 14 đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma.
Từ thời đó, nhiều nơi đã có thói quen cầu nguyện tuần chín ngày cho các linh hồn, họ đi thăm viếng, sửa mồ mả cha ông. Vào buổi chiều lễ Các Thánh, có những người đi từng nhà xin quà cho các linh hồn, họ hát những bài ca cổ truyền cổ động cầu cho các linh hồn mau ra khỏi Luyện ngục.
- Tại nước Hungary, người ta gọi ngày 2/11 là "Ngày người chết". Ngày đó, người ta có thói quen tụ họp các trẻ mồ côi tới gia đình họ rồi cho chúng ăn, cho quần áo, cho quà bánh, đồ chơi.
- Tại miền quê nước Poland, người ta kể: nửa đêm lễ Cầu hồn, người ta thắp sáng nhà thờ giáo xứ, để các linh hồn trong xứ đã qua đời về quanh bàn thờ cầu ơn giải thoát khỏi luyện ngục. Người ta nói là, sau đó trở lại thăm lại nhà mình, thăm nơi mình quen thuộc, làm việc mình đã làm khi còn sống. Và để đón tiếp những linh hồn này, người ta để cửa sổ mở suốt đêm mùng 2.
...........
- Tại Việt nam, nhất là miền Bắc, trước Công đồng Vaticanô 2 (62-65) người ta thường sửa mồ mả cha ông vào dịp Tết Nguyên đán đầu năm Âm lịch, tính theo mặt trăng, còn lễ Cầu hồn, người ta đi viếng các nhà thờ chung quanh suốt ngày lễ Các Thánh để lãnh ân xá chỉ cho các linh hồn đã qua đời. Cảnh người lớn trẻ em tấp nập ra vào rất vui vẻ. Người ta dự lễ và xin lễ rất nhiều để cầu cho Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ sớm về hưởng phước Thiên đàng.
--------------------------
*Thương nhớ người quá cố, nhất là cha mẹ, anh chị em trong gia đình là chuyện tự nhiên của con người.
*Ao ước cho người thân mình được "nghỉ yên muôn đời trong nơi mát mẻ hạnh phúc" cũng là tâm lí thông thường.
*Do đó việc cầu cho người thân đã qua đời là việc cần thiết, vừa cho linh hồn người chết được cứu thoát khỏi Luyện ngục, vừa cho người sống được tỏ lòng hiếu thảo đền ơn.
Những điều trên không những hợp lòng người, mà còn hợp giáo lí trong đạo. Giáo lí Công giáo do Đức Thánh cha Gioan Phaolo 2 ban hành năm 1992 có 3 số như sau:
- Số 1030: Cần có Luyện ngục:
"Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.
- Số 1031: Luyện ngục để thanh tẩy:
"Giáo Hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Giáo Hội đã trình bày giáo lý của đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia (xem DS 1304) và Trentô (xem DS 1820; 1580).
Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh (Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), Truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện:"Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau" (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau" (Th. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).
 - Số 1032: Người sống cứu người chết:
"Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: "Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình" (2 Mcb 12,46).
 Ngay từ những thời gian đầu, Giáo Hội đã tôn kính việc tưởng niệm các người đã qua đời, và dâng kinh lễ để cầu cho họ, nhất là dâng Thánh lễ( xem DS 856), để họ được thanh tẩy và tiến vào nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Giáo Hội cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ để giúp các người đã qua đời:
Chúng ta hãy cứu giúp họ và hãy tưởng nhớ họ. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hy sinh của cha họ( xem G 1,5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không mang lại ủi an cho họ? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ (Th. Gioan Kim khẩu, Hom. in 1 Cr 41,5).
* Ngày 10 tháng 8 năm 1915, Trong một Tông hiến, Tòa thánh cho các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ Cầu hồn: 1 cầu như ý người xin, được lấy bổng lễ, 1 cầu theo ý ĐTC (không bổng) và 1 cầu cho các linh hồn (không bổng). Giáo hội cũng xác định dành trọn tháng 11 dành để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.
* Ngày 1 tháng 11 năm 1967, ĐTC Phaolô 6, trong Tông huấn Ân xá đã ban một đại xá với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý ĐGH) cho những ai "viếng nhà thờ vào Chúa nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ Các Thánh (số 67), và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu cho các linh hồn (số 13).

--------------

Tháng cầu hồn ta lo cứu giúp,
Các linh hồn luyện ngục chờ mong,
Thoát ra khỏi ngọn lửa hồng,
Vui về bên Chúa trả công cứu người.

---------------------
Trong mầu nhiệm các thánh thông công, chúng ta cầu cho các linh hồn Luyện ngục, để
khi về Thiên đàng, các Ngài sẽ cầu lại cho ta trước tòa Chúa.

http://tinmung.net/CACTHANH/ThangCacLH/TimHieu/Nguon-goc-le-cau-hon-va-thang-cac-linh-hon.htm


Halloween 31/10

 Ngày lễ Halloween cho ta thêm nhiều suy nghĩ về khuôn mặt chính mình. Một khuôn mặt thật và một khuôn mặt mạng che. Hai chiều kích thật và không thật; của sự dữ và sự thánh thiện; bóng tối và ánh sáng; lồng vào trong nhau và đôi khi đan xen vào nhau, khó phân biệt và thường khi lầm lẫn giữa giả trá và sự thật. Con đường sự thật không ở bên ngoài mà lại ở bên trong mỗi người. Khuôn mặt biểu lộ con người ở bên trong, một khuôn mặt hóa trang có nhiều ý nghĩa.
Khuôn mặt người: Có một điều khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người hiện diện với mọi người, khuôn mặt của con người chính mình đang mang lại chẳng bao giờ thấy mặt mình. Khuôn mặt người để người khác nhìn và để Thiên Chúa nhìn, chính mình muốn nhìn cần nhìn qua gương, nghĩa là qua một ảo ảnh, không thật.  Bởi thế, có một cái biết khó nhất là “biết chính mình”. Thánh Phanxicô Assisi thì nói rằng “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Khuôn mặt của chính mình chỉ thật khi có tâm hồn đích thực trắng trong, yêu thương và quảng đại ,phản ảnh qua cái nhìn của anh chị em mình và của Thiên Chúa.
Khuôn mặt kịch sỹ: Người mang mặt nạ của nhân vật sân khấu là một khuôn mặt đóng vai. Chỉ thay thế cho con người đích thật của mình trong vai diễn, nó có giá trị nhất thời. Mặt nạ sân khấu không bao giờ là khuôn mặt thật, cho nên nó không có giá trị ở bên ngoài giao tiếp xã hội thông thường. Nếu có nó xuất hiện, người ta sẽ nhận ra đó là khuôn mặt giả dối, khuôn mặt của sự đánh lừa, dẫn dụ người khác. Chúa trách những kinh sư theo lối sống đạo đức giả.
Khuôn mặt hóa quỷ: Khi mang khuôn mặt hóa quỷ, người mang khuôn mặt ấy muốn phô bày cái quỷ quái của đời thật, và muốn trục xuất nó ra khỏi mình, mặt nạ ấy có vai trò ước muốn được giải thoát. Trong con người chúng ta như Thánh Phaolô diễn tả: Sự dữ không nằm bên ngoài mà ngay chính trong lòng chúng ta. Ai có thể cứu thoát chúng ta khỏi sự dữ này, nếu không phải là chính Chúa Giêsu Kitô Đấng đã đánh bại quyền lực của sự dữ (Xem Rm 7,18-25a). Con người lúc nào cũng có một ước muốn “hướng thiện”; tuy nhiên khi mang khuôn mặt quỷ quái nó có thể nguy cơ đồng hóa người mang khuôn mặt ấy trong đời sống thật; tán tận lương tâm, hùa theo tội ác, liên minh với sự dữ để hại người ngay. Cái thật sự đáng nguy, khi liên minh với sự dữ, nó biểu hiện một thứ “vượn người” trong bản năng che dấu và thống trị trong sự ác ngoài vỏ bọc hiền lành.
Mặt nạ người chết. Người ta tin rằng, mang mặt nạ cho người chết là giữ linh hồn người ấy lại trước khi được thay bằng bài vị. Đắp khuôn mặt cho người chết có lẽ xuất phát từ thời Pharaô của Ai Cập. Thông thường sau này, người ta làm mặt nạ người chết để lưu giữ một khuôn mặt cho hậu thế; nhưng cũng cách ấy, người ta cũng cho rằng, thật nguy hiểm khi người đó không thật sự sống một cách ngay thật, không sống đúng mức với chữ “người” một cách đáng tôn trọng. Mang khuôn mặt của sự đẹp đẽ, hào nhoáng, che giấu một khuôn mặt thối rữa, đó là sự tệ hại của đời sống tâm linh bị đánh mất.
Mặt nạ trong lễ hội. Xuất phát từ những nền văn minh bộ lạc, những giai đoạn chưa được khai phá về sức mạnh của thiên nhiên, hoặc diễn lại những huyền thoại của ngày khai sinh. Những biểu hiện mặt nạ trong các lễ hội muốn nhấn mạnh, con người không thể tự sức mình, cần nhờ đến các thần linh phù giúp, con người cũng không thể chỉ là xác thân, con người còn có cả phần hồn linh. Ý thức về vai trò của mình trong sự bé nhỏ, lúc nào cũng cần nhờ đến trợ lực từ siêu nhiên. Ngày nay, những lễ hội chỉ mang tính chất biểu diễn, bởi con người cũng đã giết chết thần linh, để con người được tự do trong dục vọng của mình, nên nhiều hóa trang mang tính trần tục và lễ hội trở thành điểm vui chơi, giải trí, hay nhằm thu hút khách du lịch.
Mặt nạ nào rồi cũng trở về với khuôn mặt đích thực của con người khi chết. Chiếc mặt nạ cuối cùng đã không còn, con người trở về với chính mình, tất cả đều thấy rõ ràng không có gì che khuất, có nhiều hối hận và đã nhiều muộn màng nuối tiếc. Con người lúc đó mới thấy khủng khiếp với chính mình. Tạ tội và chỉ mong tình thương xót. Lúc ấy mới thấy thật cần cuộc sống đừng bao giờ giết chết tình yêu, tình yêu của lòng bao dung tha thứ, tình yêu của hòa giải và bình an, tình yêu để sống thật thà, ngay thẳng, cùng giúp nhau sống. Tình Yêu để cứu vớt cho chính mình và cho muôn người đã sống.
Chính trong những suy nghĩ này, xin Chúa cho chúng con đừng theo lối sống giả hình, giả bộ, lối sống đạo đức giả. Xin cho chúng con hiểu thật sự giá trị của tình yêu và lòng thương xót để chúng con được chữa lành và được sống thật thà, tử tế với nhau và sống thân tình với Chúa. Xin cho các linh hồn đã khuất được tha thứ, và đón nhận trong Nước Chúa, sau khi đã được thanh tẩy hết mọi mạng che của tội lỗi.
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét