Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Hạnh phúc vô ngã

Chúng ta nói vô ngã là giải thoát, là vượt qua mọi khổ nạn, là Niết Bàn. Ngược lại, còn ngã, còn cái tôi, là còn khổ.
Đây là chân lý giải thoát rất dễ trải nghiệm
Nếu bạn còn nhiều tham lam là còn ngã.
Nếu bạn còn nhiều tự ái là còn ngã.
Nếu bạn còn nhiều nóng giận là còn ngã.
Nếu bạn dễ bị stress khi bị phê bình, đó là còn ngã.
Nếu bạn dễ lo sợ (vì bất kì điều gì), đó là còn ngã.
Nếu bạn dễ bị trầm cảm, đó là còn ngã.
Nếu bạn dễ gây lộn, đó là còn ngã.
Nếu bạn thích phê phán, đó là còn ngã.


Những thứ “nếu” này làm ta khổ.
Nếu bạn không còn cái tôi, thì những thứ “nếu” này biến mất, và bạn vượt mọi khổ nạn (Bát Nhã Tâm Kinh).
Đây là sự thật, ai trong chúng ta cũng có thể trải nghiệm được, chẳng có gì là triết lý cao siêu, dù là ta vẫn nói được thành triết lý cao siêu của chữ Không.
Các vấn đề tâm linh thường có hai khía cạnh đi đôi với nhau: một là triết lý cao siêu, hai là trải nghiệm giản dị. Chính trải nghiệm này là quan trọng, vì (1) ai cũng làm được, (2) một cách giản dị, và (3) kết quả rất rõ ràng, không nhầm lẫn được.
Triết lý cao siêu thì thực ra nói cho vui chứ chẳng quan trọng gì cả. Vô khối người đọc sách rồi nói triết lý chữ to rất hay, nhưng thực hành khiêm tốn thì như chưa học chút nào, cứ như là các quý vị đọc truyện chưởng Kim Dung rồi bàn võ học rất xôm tụ nhưng chưa có một ngày tập võ ở võ đường.
Các bạn, khiêm tốn, khiêm tốn đến mức vô ngã, là mẹ của mọi đức hạnh. “Tôi” là màn vô minh lớn nhất và dày nhất của con người. Nếu ta có thể dẹp bỏ cái tôi 1 phần, thì mắt ta mở lên được 10 phần. Nếu ta xóa bỏ hoàn toàn cái tôi thì mắt ta phải gọi là Phật nhãn.
Nếu các bạn không làm gì được nhiều, thì mỗi ngày tự hỏi câu này: “Tôi phải sống thế nào để tôi, dù là có đó, mà vẫn là không, và dù là không thì vẫn có đó?”
Nếu ta vẫn là một tôi mạnh mẽ, nhưng khiêm tốn như là không có tôi, thì đương nhiên là bạn đã đạt được vô ngã, ngưỡng bình an tự tại mà người ta gọi là Thiên đàng.

Trần Đình Hoành

Tư tưởng giáo dục tiến bộ trên thế giới hướng đến việc tạo ra “bản sắc riêng”, hay hiểu là tạo ra “bản ngã” cho mỗi người ngay từ nhỏ. Như tư tưởng giáo dục của Montessori, hay tư tưởng của Fuzukawa Yukichi cũng vậy. Trẻ có bản ngã sẽ có tiếng nói riêng, có tư duy độc lập. Theo bài viết của chị Hồng Thuận, trong đó học trò chị Thuận có nhận xét: “Phụ nữ Việt Nam ít có chính kiến, ít có phong cách riêng”. Phải chăng chỉ có phụ nữ VN mới như vậy? Phải chăng giáo dục VN chưa tạo ra được cái riêng, cái tư duy độc lập cho mỗi người? Và như thế việc tạo ra “cái tôi” riêng này có đi ngược lại với triết lý nhà Phật, còn “ngã”, còn “tôi” thì còn khổ không?

- Hai khía cạnh của vô ngã: mạnh mẽ và khiêm tốn. Trong hai điều này thì khiêm tốn có vẻ được nhấn mạnh như là “mẹ của mọi đức hạnh”, tuy vậy mạnh mẽ quyết đoán là tiền đề không thể thiếu. Có điều thú vị em nhận thấy là có những người khiêm tốn nhưng rất yếu đuối, không có niềm tin vào bản thân thì gần như phải đi đến vô ngã bằng con đường “ngược”, tức là tự làm mạnh mình lên rồi mới xả bỏ cái tôi. Dù là đi ngược đi xuôi thế nào mà thấy mình tiến bộ từng ngày, yêu đời yêu người từng ngày là hạnh phúc


(TDH) Thực sự thì những người vô ngã là những người mạnh mẽ hàng số một–không sợ bất kì một điều gì. Luật đời là thế, người càng khiêm tốn thì càng mạnh mẽ, em không cần phải lo người khiêm tốn thì không có cá tính.
Nền giáo dục tạo ra con người không có cá tính (ví dụ Hồng Thuận nói về phụ nữ VN) thì đó không phải là vô ngã, mà là tạo ra một cái ngã rất rõ, theo một khuôn đúc cho tất cả mọi người, thiếu cá tính (vì ra từ một khuôn đúc).
Các trường hợp thấy bằng mắt rõ nhất là truyền thống võ học Thiếu Lâm, các sư rất giỏi võ và rất khiêm tốn, vô ngã. Võ học cũng nhấn mạnh khiêm tốn, và người càng giỏi võ càng khiêm tốn.
Ở đời ta cũng thấy rất thường, người càng giỏi càng khiêm tốn.
Cho nên các nền giáo dục giúp học sinh phát triển cá tính và tính sáng tạo, đồng thời cũng chú trọng đến teamwork. Giỏi teamwork thì tự nhiên khiêm tốn.
Không có sự trái ngược giữa một cá tính mạnh mẽ và một trái tim khiêm tốn (Chúa Giêsu, Phật Thích ca, Gandhi, mẹ Teresa… toàn là những người khiêm tốn đến mức vô ngã với một cá tính mạnh phi thường).

Có vẻ như người ta phải có ngã trước khi vô ngã. Không ngã thì không vô ngã. (Và đây là con đường Tư Duy Tích Cực thường dẫn người ta đi).
Nhưng anh nghĩ là chiều ngược lại cũng đúng — có vô ngã thì mới có ngã. Tức là những người rất yếu đuối, nhưng sẵn sàng hy sinh đời mình cho người nghèo hay đất nước chẳng hạn, họ trở thành người khổng lồ.
Cho nên vấn đề không phải cái gì có trước hay sau, mà trái tim ta nằm ở đâu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét