Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Thiên Chúa quan phòng và sự ác?



Kinh nghiệm thường ngày cho thấy, sự ác đang trải dài trên lịch sử nhân loại. Quả thật một lịch sử còn mang nhiều khổ đau! Đồng thời cũng là một chuỗi suy tư và lý giải về nguồn gốc của sự ác và đau khổ. Nhưng liệu những suy tư ấy có xoa dịu được nỗi khắc khoải của con người không? Đây là một vấn nạn vừa khó khăn vừa bí ẩn, vừa phi lý, vừa khó chịu, đến nỗi Garibiel Marcel thường gọi “Huyền nhiệm sự ác”. Đứng trước huyền nhiệm này, một số người thường có phản ứng, ngờ vực, bất mãn; tìm mọi cách để khước từ, chạy trốn, có người lại cho rằng do số phận, hay là định mệnh của mình…
Quả thật, Đức Phật có lý khi khẳng định “Đời là bể khổ” thân phận con người thật là chua chát, bi ai ! Con người không ngừng đưa ra những vấn nạn hoài nghi hoặc chối bỏ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thế thì đứng trước những vấn nạn ấy, với chủ trương Thiên Chúa quan phòng ta phải cắt nghĩa như thế nào đây?
I. Một Số Vấn Nạn Về Sự Ac
 Nhìn chung, tự bản chất của con người ai cũng muốn điều thiện, ủng hộ điều lành nhưng thực tế sự dữ vẫn bành trướng. Đa số cổ võ sự hoà bình, nhưng lịch sử nhân loại phải tô đậm chiến tranh hơn là hoà bình. Cụ thể, một tác giả ước tính từ năm 1496 trước công nguyên đến năm 1861 sau công nguyên, nghĩa là trong vòng 3357 năm, nhân loại chỉ hưởng được 227 năm hoà bình còn lại 3130 năm chiến tranh, quân bình 13 năm chiến tranh mới có một năm hoà bình; chỉ trong ba thế kỷ, tại Á Châu đã có 286 cuộc chiến [1], vì thế không lạ gì người ta thường đưa ra các vấn nạn và nghi vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
-Tại sao sự dữ lại thống trị nhân loại? Sao con người phải đau khổ và chết? Sao kẻ gian ác lại được ca ngợi, tán dương, an nhàn, trong khi người lương thiện lại bị khinh rẻ?
Cũng không thiếu những thắc mắc. Nếu Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn tri, tại sao lại không ra tay can thiệp vào những sự ác? Nếu Ngài là Đấng trọn hảo, tại sao lại xây dựng một thế giới quá tàn ác, dã man như thế [2].  Nietzsche, Ông tổ chủ thuyết hiện sinh vô thần, đại diện cho lý tưởng của người hùng cũng đã dõng dạc tuyên bố: “Thiên Chúa phải chết để con người được sống”. Cùng Jean Paul Sartre, ông chủ trương rằng: ‘con người hùng là con người vươn lên bằng tự do ý chí của mình’.
-Trong tiểu thuyết Camus mô tả cuộc đối thoại giữa Paneloux một Linh mục Dòng Tên với bác sĩ Rieux về vấn đề đau khổ mà một em bé phải chịu! Thiên Chúa ở đâu ? [3]
-Thánh Thomas cũng đưa vấn nạn: “ Nếu Thiên Chúa hiện hữu thì không có điều ác nào nữa, nhưng trong thế gian thấy có điều ác, do đó Thiên Chúa không hiện hữu”[4]. Ngày xưa thánh Augustin cũng đã thắc mắc: “Nếu có Thiên Chúa thì sự dữ do đâu mà có? Rồi ngài hỏi ngược lại. “ Nếu không có Thiên Chúa thì sự thiện, sự lành do đâu mà có”? 
 Vậy Thiên Chúa quan phòng mà tại sao Ngài để cho sự ác xảy ra?
   II.  Những Yếu Tố Làm Sáng Tỏ Vấn Đề
   - Quan phòng là gì?  Thưa là công trình sáng tạo có sự tốt lành và hoàn hảo riêng, nhưng chưa hoàn tất khi được dựng nên. Vạn vật đang ở trong một “tiến trình” hướng đến sự trọn hảo do Thiên Chúa định sẵn. Sự quan phòng của Thiên Chúa chính là những đường lối Ngài xếp đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo đó [5].
  - Sự ác là gì ?  Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì: Sự ác là những gì đi ngược lại với sự thiện (điều tốt) mà bản tính mỗi vật đang theo đuổi. 
    Người ta thường phân ra hai loại: sự ác vật lý (tự nhiên) là do bộ mặt bất toàn của vũ trụ, trên đường đi tới chỗ hoàn hảo  mà Thiên Chúa đã muốn cho chúng. Sự ác luân lý, do con người dùng khả năng ý chí tự do của mình mà lựa chọn đã vi phạm.
1. Sự ác vật lý (tự nhiên)
Thí dụ: Bệnh tật, chết người, lụt lội, động đất, một con thỏ bị cọp ăn, một cây xoài tự nhiên gãy … Bởi đâu có sự ác? Chắc chắn không phải Thiên Chúa, vì Ngài là sự Thiện Tuyệt Đối và mọi sự Ngài làm đều tốt lành. Cũng không do một nguyên lý xấu nào song song đối lập với Thiên Chúa và cuối cùng, cũng không do bản tính của mọi vật; vì tự bản chất, không vật nào lại đi tìm cho mình cái xấu. Theo Thánh Thomas thì sự ác không phải là một thực tại, một bản chất mà chỉ là một khiếm khuyết (Privatio), một sự thiếu vắng điều tốt mà lẽ ra phải có, chẳng hạn: con mèo không có chân, con gà không có mỏ, con chim không có cánh ….
Nguyên nhân tác thành của sự ác là giới hạn và bất toàn của thụ tạo. Không vật nào tự bản tính đi tìm cái xấu cho mình, nhưng vì tương đối và bất toàn; nên khi tìm điều tốt cho mình nó có thể gây điều xấu cho nhiều vật khác (điều tốt đối với con cọp lại xấu với con thỏ; tốt cho con mèo lại xấu cho con chuột…), hoặc nó không đạt được điều mà đáng lẽ nó phải có. Một con vật (sự vật ) già yếu- bệnh- chết là điều xấu cho nó; nhưng nếu nhìn vào trật tự chung của vạn vật thì cái chết của vật này có thể mang lại cái lợi cho vật khác … Đối với con người là một tinh thần nhập thể, sự xấu gắn liền với điều kiện thể chất, thể lý. Chính vì thế mà không tránh khỏi những yếu đuối, đau khổ, bệnh tật- chết … Nhưng đó chưa phải là cái xấu đúng nghĩa mà đó chỉ là bất toàn của bản tính nhân loại. Có người lại thắc mắc: Tại sao Thiên Chúa lại không cho con người thoát khỏi cả những giới hạn ấy? Nhưng thử hỏi ta lấy quyền đâu mà đòi hỏi như vậy? Thiên Chúa đã cho con người một bản tính hoàn toàn trong trật tự của nó với tất cả mọi phương tiện cần thiết để hoàn thành sứ mệnh của mình, tức vươn tới cái tốt, cái đẹp; dĩ nhiên là phải trải qua khó khăn và lao nhọc gắn liền với điều kiện nhập thể của thân phận con người. Thiên Chúa không thể làm cho con người không phải là tạo vật, điều đó không có gì là bất công về phía Ngài, cũng không có gì là xấu xa đối với con người. Con đại bàng (chim) không có cánh là một điều xấu, đối với loài chim, nhưng con người không có cánh không thể bị coi là xấu đối với loài người. Bù lại con người lại có những cái khác, thí dụ: trí tuệ, sự hiểu biết để chế tạo nhiều máy móc hiện đại, tinh vi. Nếu nhìn vấn đề như thế ta sẽ không còn bị mặc cảm về những khuyết điểm thất bại của mình, nhưng qua đó ta lại càng ra sức nổ lực khám phá để phát triển bản thân và làm chủ được thiên nhiên, vạn vật. Vì vậy, sự ác đích thực thiết tưởng chưa hoàn toàn nằm ở lãnh vực tự nhiên thể lý, mà chính là ở bình diện luân lý, tức tội lỗi.
2. Sự ác Luân lý: Thánh Augustin gọi tội lỗi là sự ác tuyệt đối vì nó đảo lộn trật tự tinh thần, một trật tự đích thực, thiết yếu đối với con người. Chỉ có trật tự đó mới đem lại cho thế giới một ý nghĩa đích thực qua sự tự do lựa chọn.
Vậy do đâu mà có tội lỗi? Thiên Chúa không thể, cũng không muốn làm sự ác được; vì tự bản chất Ngài là Đấng tốt lành trọn hảo? Thưa, tội lỗi là bởi sự tự do khi con người sử dụng. Nếu vậy phải chăng sự tự do là điều xấu? Thưa không, lý trí- ý chí tự do là một đặc ân kỳ diệu mà con người đã được lãnh nhận; nhờ đó con người mới có khả năng chọn lựa điều hay lẽ phải và trở thành một phần nào kiến tạo số mệnh chính mình và vũ trụ. Tự do chỉ xấu khi con người kiêu ngạo, lạm dụng sự tự do để đánh mất mối tương quan, khước từ quyền tối thượng, không đặt mình trong trật tự của Thiên Chúa an bài. Ngay từ những chương đầu của quyển Kinh Thánh đã cho thấy, lịch sử nhân loại đã rơi vào tình trạng này, đại diện là hai ông bà nguyên tổ (St, 3..)! Hoặc ngày nay con người lợi dụng lý trí, ý chí tự do để sản xuất vũ khí sinh học, mang bom đạn đánh nhau, nhân bản vô tính, thụ tinh ống nghiệm… nhằm phục vụ cho sự ác. Tuy nhiên, ta cũng  thấy có biết bao cái hay cái tốt lành, con người đã nhờ ý chí tự do để làm nên. Chúng ta luôn xác tín rằng: Thiên Chúa không  trực tiếp tạo ra sự ác. Trái lại, nếu không có Thiên Chúa thì vấn đề sự ác con người không thể giải quyết nổi. Bởi vì nếu những đau khổ, bất công thiệt thòi ta phải chịu ở đời này mà không được chữa trị hay không được đền bù thì thế giới này vĩnh viễn là một thế giới phi lý, vô nghĩa và xấu xa tận gốc. Nhưng trong nhiều trường hợp làm sao ta hiểu được thế giới vật chất lại có một trật tự ? Nhất là làm sao hiểu được thế giới của con người mà ta tưởng rằng phi lý vô nghĩa và xấu xa lại có biết bao điều tốt, bao sự lành và cái đẹp không ngừng nuôi dưỡng bởi một khát vọng sâu xa về công bình hạnh phúc? Thánh Augustin cũng đã tự hỏi “Nếu không có Thiên Chúa thì sự thiện do đâu mà có”?
           3.  Thái độ của con người
 Dù là người có tôn giáo hay vô thần, đứng trước huyền nhiệm sự ác thật là khó khăn để tìm được một lời giải đáp đầy đủ và thỏa mãn (bằng chứng sự ác vẫn còn đó). Với người không có niềm tin có thể: chạy trốn, thoái thác, nghi vấn hoặc an phận do định mệnh. Có người chống lại Thiên Chúa, cho rằng: Ngài ác tâm để sự dữ xảy ra gây đau khổ cho con người mà không chịu can thiệp! Với người vô thần thì lấy mình làm cứu cánh: “Tự do của mình là nền tảng của mọi nền tảng, tự do có quyền tiêu diệt chướng ngại vật”, Heidegger. Còn Jean Paul Sartre thì quan niệm “Tự do bất khả xâm phạm cho dù đó là Thiên Chúa”, rồi đi đến chỗ tuyệt vọng, cuối cùng con người chết là hết chuyện ! Quả thật họ đã chết và hết!!! nhưng Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài vẫn còn sống và không ngừng phát triển.
Vậy, chính toàn bộ Đức tin Kitô giáo sẽ là câu trả lời và làm chứng cho vấn nạn này, đó là bao gồm: Sự tốt lành của cuộc sáng tạo, thảm kịch tội lỗi, tình yêu kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng đã đến với con người qua giao ước, Ngôi Lời nhập thể cứu chuộc trần gian, qua việc ban Thánh Thần, việc qui tụ Hội Thánh qua sức mạnh của các bí tích … ! Không có bất cứ chi tiết nào của sứ điệp Kitô giáo mà không là một phần của câu trả lời cho vấn nạn về sự ác [6].
 -Thánh Thomas đã mượn lời thánh Augustin để giải đáp: “ Thiên Chúa toàn năng bởi Ngài tốt lành vô cùng nên không bao giờ để bất cứ một điều ác nào xảy ra trong công trình của Ngài, nếu Ngài không đủ quyền năng và lòng nhân lành rút lấy điều lành từ chính sự dữ” [7]. “ Giuse nói với các anh em: Sự dữ mà anh em định làm cho tôi, ý định của Thiên Chúa chuyển thành sự lành, để cứu một dân tộc đông đảo” [8]. Và qua gương ông Gióp, cho ta thấy lòng trung thành tín thác vào Thiên Chúa của ông… . Đứng trước vấn đề đau khổ, người có niềm tin luôn xác tín rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8, 28).
*  Thay lời kết
Qua mấy tư tưởng hạn hẹp vừa trình bày trên đây, phần nào cho ta thấy: Với sự ác thì không một thời đại hay một xã hội nào dung túng hoặc chứa chấp nó; thế nhưng thực tế nó vẫn còn có chỗ đứng trong nhân loại và ngay cả trong bản thân con người của ta. Chính thánh Phaolô cũng đã cảm nghiệm được điều đó: “Sự thiện tôi muốn tôi lại không làm, nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làm”(Rm 7, 15- 19).
Đứng trước sự ác, là người kitô hữu càng phải tin tưởng, phó thác vào sự quan phòng toàn năng của Thiên Chúa hơn. Vừa là lời kêu cầu, vừa biểu lộ lòng tín thác vào Thiên Chúa, cùng với Ngài để đẩy lui sự ác; vì Thiên Chúa  không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ, cũng không phải là thờ ơ đối với đời sống nhân sinh của con người. Chính Ngài đang đồng hành với những đau khổ của thân phận con người. Đức Kitô là mẫu gương giúp chúng ta vượt thắng mọi sự dữ và tội ác, qua cái chết và sự Phục Sinh của Ngài: “Nào Đấng Kitô đã chẳng phải trải qua đau khổ rồi mới vào vinh quang của Người hay sao?” (Lc 24, 26 ). Chính niềm tin Kitô giáo mạc khải cho ta biết “ Thiên Chúa không cho phép sự dữ xảy ra, nếu Ngài không rút được sự lành từ chính sự dữ [9] . Ước gì là Kitô hữu, đặc biệt là người tu sĩ chúng ta luôn có được tâm tình như thánh PhaoLô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, cùng khốn, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? …..Nhưng trong mọi thứ thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”- Amen. (Rm 8, 35– 37).


   [1] Trích R.Vatican “ Những Con Đường Dẫn Đến Thiên Chúa”, p.210
   [2] R.Vatican - Những Con Đường Dẫn Đến Thiên Chúa, P.169.
    [3] A. Camus “La Peste,” Gallimard, P. 237- 238.
    [4] ST, I, 9.2, a.3, obi 1, bản dịch của Lm. Joachim Nguyễn Văn Liêm, OP năm 1999, p.105.
    [5] Giáo lý GHCG - năm 1997, số 302.
[6] Giáo lý GHCG- năm 1997, Số 309.
[7]  St. Âu- Tinh, enchir 11, 3
[8] St 45, 8 ; 50, 20
[9] Giáo lý GHCG-  năm 1997, số 324.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét