Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Quê hương mờ mịt nơi nao?


MỘT THỜI GX. LÀNG ANH
Tôi rời Nghệ An, nơi quê cha đất tổ vào năm 1954, lúc lên 9 tuổi, để di cư vào miền Nam. Năm 1972, tôi rời Sàigòn để du học ở Thụy Sĩ. Năm 1979 tôi sang Bỉ và năm 1980 rời Âu châu để giảng dạy tại Mỹ châu Latin.

1.         Trở về thăm quê hương
Cuối thập niên 80’ của thế kỷ XX, khi từ Mỹ châu Latin về thăm gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi cùng thân mẫu trở lại miền quê cha đất tổ, sau hơn ba mươi ba năm xa cách. Mặc dù thời đó đất nước đang chập chững bước sang giai đoạn “Đổi mới”, nhưng xứ Nghệ, quê tôi, vào năm 1987, phương tiện giao thông còn rất thô sơ và hạn chế. Đặc biệt, về mặt chính trị, vẫn còn giữ vững lề lối bao cấp, “bảo hoàng hơn vua”.
Từ thành phố Vinh, chúng tôi phải thuê xe ngựa về làng. Đến đầu làng lúc trời nhá nhem tối. Nhìn cảnh nghèo của quê hương, tôi tự nhiên cảm thấy lòng mình như chùng xuống. Cảnh cũ người xưa đã đổi khác, tiều tụy và xuống cấp thê thảm. Đi bao nhiêu ngàn cây số để trở về thăm cố hương, nhưng lúc ấy hầu như tôi chẳng còn nhận ra được gì nữa. Những hình ảnh của một quê hương hằng ôm ấp trong tâm trí suốt bao nhiêu năm trường, bây giờ chẳng còn phù hợp, chẳng có dính dáng gì với thực tế sờ sờ trước mắt.
Khác với thành phố Hồ Chí Minh, ở quê tôi “bộ mặt hình sự” vẫn đè nặng trên cuộc sống. Ngay sáng hôm sau, tôi được mời lên làm việc tại văn phòng xã. Bề ngoài, chính quyền địa phương tiếp đãi nhã nhặn, như chào đón một người con từ phương xa về lại mái nhà xưa, nhưng đồng thời cũng không kém quyết liệt. Họ yêu cầu tôi đừng ra khỏi ngôi nhà hiện đang tạm trú, với một lý do rất ngộ nghĩnh: để bảo vệ an ninh cho bản thân tôi, vì tuy đất nước ta đã đánh thắng giặc Mỹ, nhưng vẫn còn một số phần tử xấu len lỏi trong xã hội. Những phần tử này có thể làm phương hại sinh mạng tôi và quân địch sẽ lợi dung cơ hội để bôi xấu chế độ. Nếu muốn đi đâu, nên cho xã biết để phái người hướng dẫn.
Thế là đương nhiên, như bị giam lỏng, chúng tôi chẳng có thể đi đâu hay đến thăm ai. Bù lại dân làng đã đích thân đến thăm chúng tôi. Trong nhà, ngoài sân chật ních người. Sau một đêm chập chờn vật vờ, nằm nghe tiếng côn trùng, tiếng chó sủa từ xa vọng về và tiếng thì thầm to nhỏ của vài người thân ở dưới bếp, ngày hôm sau, một mình tôi lại xách gói ra đi. Chưa được nhìn mảnh đất quê hương như một du khách, nói chi tới niềm vui và nỗi xúc động của một người trở về cố quận sau 33 năm trời xa cách!
Suốt những chặng đường đời ngang dọc, tôi đã nhìn thấy rất nhiều cặp mắt buồn, nhưng ít thấy cặp mắt nào vừa buồn và vừa u uất hơn một vài cặp mắt hôm đó nơi quê nhà. Có người lo ngại là tôi sẽ gặp nạn. Vài tiếng nấc bất chợt nổi lên, và rồi, như nước vỡ bờ, những tiếng khóc nghẹn ngào nối tiếp nhau tưởng chừng như khóc người chết!
Dù không nói ra, mọi người đều hiểu lý do thâm sâu của những bất trắc này: Ông cụ thân sinh của tôi ngày xưa thuộc giai cấp địa chủ, bị đấu tố và bị tử hình trong phát động giảm tô vào những năm 1951-1953. Ruộng vườn, nhà cửa và của cải của gia đình đều bị tịch thu. Bây giờ, bỗng dưng người con út của lão địa chủ đó lại từ ngoại quốc trở về thăm quê. Hơn nữa, tôi lại là một linh mục, chắc chắn có âm mưu hay sứ mệnh đặc biệt gì đây(?). Phải cẩn mật đề phòng! Phải chăng đó là một trong những dư âm của cái thời mà, theo lối nói của nhà thơ Nguyễn Duy:
Hấp ha hấp hoảng kêu ma
Hóa ra ta thấy bóng ta trên tường.
Trong câu chuyện hàng ngày sau này, tại miền Nam, một đôi khi thân mẫu tôi cũng nhắc lại cảnh tố khổ, tra tấn máu me của giai đoạn đó[1]. Bên cạnh những kỷ niệm buồn như để diễn tả cảnh hãi hùng của cuộc đấu tố, người tinh ý sẽ nhận ra vẻ tự hào và khoe khoang của bà cụ về gia tài, ruộng đất: Bà nội giàu nhất, nhì trong vùng với gần 30 mẫu ruộng, ông thân sinh tôi có khoảng 18 mẫu, tiếp theo là các chú ruột và các bác họ....
Lớn lên trong miền Nam, có dịp nhìn những cánh đồng cò bay thẳng cánh, tôi bắt đầu ngờ ngợ về cái “vỏ địa chủ” của gia đình mình. Khi ra ngoại quốc, được tham quan những trang trại bao la bát ngát ở Mỹ châu Latin, ở Hoa Kỳ và Canada... tôi càng cảm thấy ngậm ngùi chua xót cho bao nhiêu người đã chết oan vì mấy mẫu ruộng. Lần đầu tiên trở về làng, đứng nhìn mấy cánh đồng chật hẹp và chẳng lấy gì làm phì nhiêu nơi quê cha đất tổ, càng ngậm ngùi và xót xa hơn[2].
2.         Tái ngộ với quê hương
Mười năm sau (1997), tôi cùng với mấy người cháu nội trở về tham quan miền Bắc và nhân tiện ghé thăm quê hương. Thành phố Vinh đã được tái thiết. To lớn, khang trang và náo nhiệt hơn. Rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi thuê khách sạn trên thành phố. Ban ngày về thăm quê, nhưng ban đêm trở lại khách sạn.
Trái với nỗi e dè và lo ngại của chúng tôi, bộ mặt của quê hương đã thay đổi nhiều. Dễ chịu, cởi mở và bớt nghèo nàn hơn thời bao cấp. Chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện dễ dàng để tôi có thể dâng thánh lễ tại nhà nguyện nhỏ của họ đạo. Vài đại diện địa phương cũng hiện diện trong bữa cơm thân mật. Dưới ánh sáng vàng nhạt của mấy bóng điện khi chớp khi tắt, câu chuyện về quê hương, đất nước tiếp tục nổ ran. Ông cán bộ ngồi bên cạnh tôi có vài cử chỉ khá thân tình, đến độ mấy người cháu từ nước ngoài về cứ ngỡ chúng tôi là hai người bạn cố tri.
Sau phần cám ơn và từ giã mọi người, còn lại vài phút ít ỏi để nhìn trời và hít thở không khí của quê hương. Rất may hôm đó gặp ngày đẹp trời, trăng sao vằng vặc. Tôi Cố gắng tìm gặp lại những vì sao và vầng trăng thuở thiếu thời, hơn bốn mươi năm về trước. Trăng sao vẫn lung linh trên bầu trời quê hương, nhưng không biết tại sao tôi cảm thấy lạnh lùng và xa lạ quá! Những người thân yêu nhất đã lần lượt vĩnh viễn ra đi hay hiện đang sống nơi chân trời góc biển xa xăm nào đó. Một mình đứng đây, tôi sao cảm thấy lẻ loi và quá xa lạ nơi chính quê cha đất tổ. Nhìn trăng quê hương đêm đó, tôi tự nhiên nhớ đến mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử:
            Hôm nay có một nửa trăng thôi
            Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
            Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
            Gió làm nên tội buổi chia phôi.
Hồi tưởng lại thời giảm tô Thân phụ tôi bị giam và đang chờ ngày lên đoạn đầu đài. Thân mẫu cũng bị đấu tố, vật vờ nửa sống nửa chết. Người chị cả đã kết hôn và sống ở xã bên cạnh, nhưng gia đình của chị cũng đang khốn đốn vì cuộc giảm tô đó. Hai người anh, một người bị bắt, một người khác đã trốn vô Nam. Hai người chị vị thành niên, nhìn cảnh nhà tan cửa nát, chẳng còn tha thiết gì nữa, chỉ biết khóc. Tôi, đứa con trai út, phải bỏ học, lang thang thất thểu, nhịn đói mấy ngày liền. Một vài người thấy tình cảnh cũng xót thương, nhưng lại sợ cán bộ nên không dám chứa chấp. Cũng may nhờ sự bao bọc của vài thân nhân và thái độ can đảm của một người gia nhân cũ, mà trong Cải cách ruộng đất được liệt vào giai cấp ưu đãi, nên cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi.
Trong ngày vui hội ngộ bỗng dưng quá khứ bừng sống lại. Mặc dù chẳng còn oán hận gì, nhưng làm sao vẫn cảm thấy cái gì mằn mặn trong miệng. Đứng giữa mảnh đất quê hương mà dường như đang đứng chênh vênh, không đúng chỗ, trên một vách đá nào đó! Trong khi đó, lại mơ hồ tiếc nuối những tháng ngày tự do leo trèo, hái trái, bắt bướm... Đôi khi còn cảm thấy vui vui khi cùng bạn bè nhắc lại những kỷ niệm buồn của tuổi thơ kém may mắn. Tế Hanh đã diễn tả sâu sắc cái mẫu thuẫn tinh tế này:
Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui
Những ngày vui sao lại thấy bùi ngùi.
Từ giã quê hương, tôi vượt qua Bến Thủy và mang theo hài cốt của thân phụ, mà một vài thân nhân đã tìm cách “hốt trộm” trong đêm. Thưở thiếu thời, một đôi lần đã đi đò qua khúc sông này để thăm người cô lấy chồng bên Gia Hòa, Nghi Xuân. Bây giờ từ trên cầu nhìn nước sông Lam cuồn cuộn chảy ra biển, bâng khuâng suy nghĩ mông lung. Từ đó đến nay bao nhiêu nước đã chảy qua cầu? Bao nhiêu cuộc chia tay và bao cảnh dở khóc dở cười? Bao nhiêu cái tưởng chừng đã mất, mà hóa ra lại được, đã thắng mà rút cuộc lại là thua! Chợt liên tưởng đến câu hò xứ Nghệ:
Ai biết sông Lam răng là trong là đục
Thì biết cuộc đời răng là nhục là vinh?
Qua khỏi cầu Bến Thủy, chỉ cần rẽ về tay trái và đi thêm khoảng 8 cây số là đến làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, quê hương của Nguyễn Du, nhà thơ thiên tài của dân tộc. Khu lăng miếu của dòng họ Nguyễn Tiên Điền rộng khoảng một hecta và nằm sát lộ. Cô nhân viên làm công tác bảo tàng ở đây cũng thuộc dòng họ Nguyễn. Cô cho biết hiện tại con cháu dòng họ này hiện chiếm đa số dân cư trong làng và nhiều người nắm chức vụ quan trọng trong xã. Nhưng tôi khá ngạc nhiên khi thấy khu di tích chưa được trùng tu đúng mức. Nhà trưng bày hiện vật về Nguyễn Du là một ngôi đình cũ ở nơi khác chuyển về, nhưng khá hòa hợp với khung cảnh chung quanh. Có điều hiện vật nghèo nàn và trình bày luộm thuộm, thiếu thẩm mỹ. Nhà giảng sách chưa được tu bổ và hầu như còn để trống.
Mộ Nguyễn Du không ở trong khu di tích, mà nằm ngoài cánh đồng cách đấy khoảng 2 cây số. Cho đến cuối thập niên 1980, thân thế của cụ Nguyễn Du vẫn chưa được hoàn toàn khôi phục. Cụ được đề cao vì thái độ chống phong kiến, nhưng quan niệm về chữ tâm và chữ nhân của cụ bị coi là đi ngược với tính giai cấp. Ngôi mộ của cụ hầu như bị bỏ hoang. Tình trạng hoang tàn và bi thảm đến độ một nhà thơ quân đội, gốc Nghệ Tĩnh, từ Hà Nội vào thăm mộ Nguyễn Du, nhìn mấy nắm đất sè sè, cứ ngỡ là mộ Đạm Tiên:
Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên
Nào ngờ cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây.
Hai câu thơ trên đã gây chấn động không nhỏ ở trong nước và góp phần tích cực trong việc thúc đẩy giới hữu trách quyết định trùng tu phần mộ của cụ. Sang thập niên 90, Nguyễn Du được Liên Hiệp Quốc xếp vào thành phần những nhà văn hóa lớn của nhân loại và Nhà nước Việt Nam cũng quyết định phục hồi vị thế của cụ. Chính vì thế, ngôi mộ của cụ đã được xây dựng lại khá khang trang. Con đường dẫn đến khu di tích cũng được tráng nhựa, với một bãi đậu xe nho nhỏ.
Rời làng Tiên Điền, chúng tôi bỏ lại xứ Nghệ đàng sau lưng để xuôi về miền nam. Đến Đèo Ngang vào lúc xế chiều. Đối diện với buổi chiều hiu quạnh vạn đại ở nơi đây, lòng buồn rười rượi. Cảnh tĩnh mà sao tâm động, với bao nỗi niềm u uẩn riêng tư, hồ dễ biết cùng ai chia sẻ. Ngày xưa, bà Huyện Thanh Quan cũng đối diện với vẻ đẹp hoang sơ, bát ngát của Đèo Ngang vào một buổi chiều tà và đã diễn tả nỗi niềm cố quận tang thương qua mấy câu thơ bất hủ:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc  
            Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. 
            Dừng chân đứng lại trời non nước
             Một mảnh tình riêng ta với ta!

Trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến, đây là vùng đất bị oanh tạc tự do. Bao nhiêu tấn bom đạn, napalm, chất độc hóa học... bọn Mỹ đã thả xuống vùng đất khốn khổ này. Cây cối và cảnh vật vẫn in hằn dấu vết của chiến tranh, ảm đạm, tiêu điều, xơ xác, đúng như hai câu thơ của Cung oán:
             Phong trần đến cả sơn khê
            Tang thương đến cả cây kia cỏ này.
Cảnh vật mà còn như vậy, huống hồ con người! Hậu quả của bom đạn và nghèo đói còn hiện rõ trong cuộc sống và in hằn trên khuôn mặt của những em bé gầy guộc, đói rách, thất tha thất thểu đi sau mấy con bò còm cõi hay giơ những cánh tay khẳng khiu mời khách du lịch mua hàng. Nhìn khuôn mặt và mấy món hàng của các em, lòng tôi bỗng chùng xuống. Có lẽ chỉ ở một số nước Phi Châu hay tại một vài thành phố ở Ấn Độ mới nhìn thấy những cánh tay khẳng khiu, những khuôn mặt hốc hác và u buồn như vậy.
3. Quê hương mờ mịt nơi nao?
Khi hình bóng của vùng đất “cày lên sỏi đá” dần dần mất hút xa mờ, tôi ngậm ngùi không biết đến bao giờ mới có dịp trở lại? Mà thực ra cũng chẳng biết có còn chút gì để lưu luyến, nhớ thương? Nhưng tôi biết chắc, những người Việt thuộc thế hệ và cùng tâm trạng với tôi, chẳng dễ gì có thể gắn bó với một nơi nào khác như chính quê hương của mình. Mai đây, nơi phương trời xa xăm nào đó, khi năm cùng tháng tận hay vào những đêm trăng sáng nơi xứ lạ quê người rồi ra lại bồi hồi nhớ quê hương như Lý Bạch thuở nào:
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi mặt nhớ cố hương.)
           
Sau mấy tháng hè, rồi cũng đến lúc phải ra đi. Thế mà, bao giờ cũng vậy, lòng tôi lại thấy nao nao khi phải xa quê nhà, đất mẹ...
Từ năm 1995, tôi thường xuyên trở về Việt Nam. Nhưng tại chính quê hương, giữa thời đổi mới, nhiều lần tôi vẫn còn ngờ ngợ, nửa mơ nửa thật. Nhiều lần giật mình hốt hoảng không hiểu mình đang ở nơi mô! Có những đêm nằm nghe tiếng chó sủa hay tiếng đập cửa từ đâu vọng lại, bỗng giật mình thức giấc hoảng sợ... Cứ ngỡ lại thêm một lần nữa công an đến xét giấy giữa đêm khuya!
Hầu như lần nào cũng vậy, chỉ khi máy bay đã cất cánh, bỏ lại quê hương xa mờ sau khung cửa hẹp, tôi mới thực sự cảm thấy nhẹ nhõm và an tâm. Phải chăng như Lê Bi đã viết:
Giữa tổ quốc tôi vẫn mất mình
và ngờ ngợ như người vô tổ quốc.
Nhưng chính tình tự quê hương đó là nguyên nhân của những tản mạn này, vừa viết nơi đất khách, vừa viết tại quê hương từ giữa năm 1998 đến đầu năm 2000. Có thể coi đây như thao thức và trăn trở của một người Việt tha hương. Tất cả được gói trọn trong ước nguyện chân thành được đồng hành với đồng bào và với quê hương, dân tộc. Hay theo kiểu nói bóng bẩy của Xuân Diệu:
Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu.
Chính vì vậy, dù sống nơi phương trời xa lạ và trong cuộc sống thực tế rất nhiều lần chỉ còn nối kết với quê hương bằng “dây tơ tình mỏnh mảnh”, nhưng lòng vẫn luôn khắc khoải trước vận nước nổi trôi. Nếu được phép ước mơ thì mong sao người Việt sớm xóa bỏ hận thù, đất nước mau phát triển, vùng nông thôn bớt nghèo đói và giới trẻ, nhất là đám trẻ bị bỏ rơi hay khuyết tật, có một tương lai sáng sủa hơn. 

VIỆT NAM YÊU DẤU – NGUYỄN THÁI HỢP



[1] Bây giờ nhiều người đã công khai nói lên tính phi lý và phi nhân của cuộc cải cách ruộng đất này. Nhà văn Vũ Tú Nam đã thú nhận: «Trong cải cách ruộng đất, tôi có viết cái truyện, lấy tên là Giành lấy tương lai. Nghe anh em bộ đội kể, rồi tôi viết lại. Toàn những chuyện đi ở cho địa chủ. Anh em hoan nghênh lắm. Bây giờ cái truyện ấy không thể đọc lại được, chính tôi, tôi cũng không đọc nổi” (Trần Đăng Khoa, Chân dung và Đối thoại, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 19994, tr. 282).
Vũ Thư Hiên thẳng thắn nêu vấn đề trách nhiệm của người trí thức: “Trí thức Việt Nam hồi ấy ngoan ngoãn lắm, dễ bảo lắm (...). Đảng hô hào phóng tay phát động quần chúng làm Cải cách ruộng đất thì họ lăn lộn ngày đêm (...) tìm ra bằng được, cho đủ số kẻ thù theo chỉ tiêu của Đảng đặt ra (...). Đến khi Đảng ngượng ngùng tuyên bố sửa sai thì họ mới ngã ngửa ra rằng họ, những trí thức, lẽ ra phải lấy nhân ái làm đầu, thì đã theo Đảng nhúng tay vào máu” (Đêm giữa ban ngày, 1998, tr. 266-267).  
[2] Hôm nay, dân gian ví von hóm hỉnh: “Địa chủ miền quê không bằng làm thuê trên tỉnh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét