“Tôi xác định đi tu, nên khi
học đại học cũng không cần phải học tốt lắm”_Câu nói cửa miệng của biết bao
nhiêu người trẻ dẫn thân vì Chúa. Nó khiến cho người ta có suy nghĩ èo uỗng,
trì trệ đối với việc học đại học. Thậm chí, đối với nhiều người thời gian học đại
học là một cực hình. Học đại học mang tính chất bắt buộc, vì đó là yêu cầu cần
có của hội dòng. Tất cả xuất phát từ nếp nghĩ
truyền thống: Những kiến thức chuyên môn bị lãng quên khi gia nhập vào hội
dòng.
“Giữa
một đất nước đang đổi thay và trong một thời đại mà chất xám và năng động tính được
đề cao, dĩ nhiên để có thể góp phần phục vụ đất nước, phục vụ Giáo hội và rao
giảng tin mừng, người tu sĩ cũng cần được đào tạo cân xứng.”(Để họ lớn
lên_P.Nguyễn Thái Hợp, O.P) Việt
Nam đang ngày càng chuyển mình một cách mạnh mẽ, hòa mình vào dòng chảy chung của
nhân loại. Ngoài việc chính thức gia nhập ASEAN trong khu vực, còn gia nhập WTO
trên toàn cầu, gia nhập thương mại quốc tế,… Rồi đây luật pháp, hệ thống nhà nước,
hệ thống giáo dục và ngay cả hình thức tổ chức xã hội sẽ thay đổi. Đó là điều tất
yếu phải xảy đến để thích ứng với điều kiện và yêu sách của hội nhập. Giữa những
biến đổi lớn lao của thời đại, đòi hỏi Giáo hội phải can đảm dẫn thân. Sứ vụ
rao giảng tin mừng sẽ không đạt hiệu quả, nếu như người tu sĩ trẻ không hiểu biết
sâu xa về những điểm nóng mang tính chất quyết định của toàn cầu hóa. Đồng thời
“những con người mang ánh sáng tin mừng” này cũng cần được trang bị đầy đủ kiến
thức chuyên môn, để có thể đáp trả những thách đố mà khoa học kỹ thuật, thông
tin đại chúng đang đặt ra cho Giáo hội. Trước bộ mặt thật của thời đại, thiết
nghĩ các hội dòng nên tạo cơ hôi cho những tu sĩ trẻ dẫn thân vào các lĩnh vực
văn hóa-xã hội-nhân văn. Đặc biệt là các hội dòng mang tính hoạt động, “lúa
chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”, phải chăng đã đến lúc cần gỡ bỏ biên giới phục
vụ nội trong nhà trẻ và lối mục vụ cổ điển.
Tại các quốc gia phát triển,
để có thể sống và phục vụ, người tu sĩ cần có một kiến thức chuyên môn nào đó. Mỗi
tu sĩ của các Dòng hoạt động đều có một ngành nghề nhất định. Từ ngành nghề đó,
người tu sĩ vừa phục vụ nhân loại, phục vụ Giáo hội, vừa tích góp bảo hiểm và
hưu dưỡng cho bản thân. Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập, công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngay bây giờ, các hội dòng Việt Nam cũng cần đề cập
tới vấn đề này. Kẻo mai kia chúng ta “trở tay không kịp” trước bối cảnh thay đổi
cách chóng mặt của đất nước. Cũng trong tác phẩm “Để họ lớn lên” của Đức Cha
Phaolo Nguyễn Thái Hợp, O.P, Linh mục Thiện Cẩm đã thẳng thắn đặt vấn đề: “Một điều mà tôi hằng mơ ước là mỗi tu sĩ
chúng ta phải biết một ngành nghề nào đó, không phải với mục đích chính là để
làm ăn sinh sống, mà chính là cách tự nhiên nhất để chúng ta có thể hội nhập
vào trong thế giới, mà vấn đề có công ăn việc làm là một mối bận tâm lớn nhất,
đặt biệt là của giới trẻ khởi sự bước vào đời. Theo tôi nghĩ, không phải tình cờ
mà Đức Giêsu đã chọn nghề “làm thợ” hầu như suốt cuộc đời, nghĩa là tới 30 tuổi
mới đổi nghề và đã đi rao giảng Tin Mừng! Đó là cách thế tự nhiên, bình thường
nhất để một con người có thể sống giữa mọi người.” Cho dù là tu sĩ, chúng
ta cũng là thân phận con người, mà quy luật chung là phải “tay làm hàm nhai”.
Ngành nghề không phải để chúng ta dùng làm kinh doanh, kiếm lợi. Mà chủ yếu là
để phục vụ và chia sẻ nỗi thống khổ với người lao động. Chỉ khi đặt mình vào vị
trí của họ, hiểu họ thì chúng ta mới có thể chia sẻ “tấm bánh Đức kitô” cho họ.
Cho nên, qua một ngành nghề nào đó, chúng ta hoàn toàn có thể tuyên xưng niềm
tin và sống chứng tá cho mọi người. Thật khó chấp nhận với lối sống dựa vào chức
vụ “thiêng liêng” của bản thân người tu sĩ.
Nói như thế không phải là tất
cả tu sĩ cần phải trở thành kỹ sư, bác sỹ, cử nhân,… Nhưng phải có một kiến thức
chuyên môn cân xứng. Chỉ khi có tấm hộ chiếu chuyên môn, chúng ta mới có thể dẫn
thân vào xã hội hôm nay. Vậy nên, chuyên môn như một công cụ hỗ trợ đắc lực
trong sứ vụ tông đồ. Nhìn những “vụ mùa bội thu” về ơn gọi trong những năm gần
đây của các hội dòng. Rõ ràng không thể có một cảm giác an toàn giả tạo, mà ngược
lại chúng ta cần phải sàng lọc kỹ hơn trong vấn đề tuyển lựa. Ngay từ khâu tìm
hiểu, cần loại bỏ ngay tư tưởng “Tôi xác định đi tu, nên khi học đại học cũng
không cần phải học tốt lắm”. mà ngược lại, nên học thật tốt, nắm thật vững
chuyên môn mà mình theo đuổi trên ghế giảng đường đại học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét