Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Điều vô cảm nhất của người Việt Nam

“Đừng nghĩ vô cảm trong phạm vi nhỏ. Mà vô cảm lớn nhất của người Việt chính là thái độ bàng quan trước tình hình của xã hội, không muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, GS Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn bày tỏ.

Thái độ vô cảm của người Việt không phải chuyện bây giờ mới nói. Câu chuyện đau lòng về người cha 87 tuổi bị con cái bỏ mặc ngoài đường, thái độ thờ ơ với người bị tai nạn giao thông trên đường, thậm chí là tò mò đứng xem…khiến nhiều người phải bất bình, xót xa.
Bàn về sự vô cảm của người Việt, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng thắng thắn bày tỏ quan điểm: “Hiện nay vô cảm rất phổ biến ở người Việt Nam và nó khác với tư duy truyền thống của người Việt. Đó là người Việt Nam luôn mẫn cảm, khi gặp người hoạn nạn thì thương xót và giúp đỡ,thậm chí còn không sợ hy sinh thân mình để cứu người, giống như trường hợp của em học sinh tên Nam. Nhưng thật buồn khi hiện nay tình trạng vô cảm len lỏi đến từng ngõ ngách, phố phường…”.

Hai lý do dẫn đến vô cảm
Theo GS. Lân Dũng, suy thoái đạo đức chính là một trong hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm phổ biến ở nước ta hiện nay.
GS chỉ ra rằng, xuất phát từ sự ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, người ta quan tâm quá nhiều đến đồng tiền và họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận cho bản thân, từ đó bị lấn át đi mọi tư duy lành mạnh khác.
Suy nghĩ kiếm tiền, làm giàu bằng mọi giá, không quan tâm đến truyền thống đạo đức, vì vậy, khi thấy một người bị tai nạn, họ tảng lờ đi hoặc "xúm đông xúm đỏ" chỉ vì tò mò, gây ùn tắc giao thông.
“Nhưng mặt khác, đó còn là lỗi của xã hội. Xã hội không nghiêm, an ninh xã hội vô cùng bất ổn. Người dân sợ bị trả thù nếu không tỏ ra vô cảm khi thấy một kẻ móc túi trên xe buýt. Họ không dám ngăn cản, hay họ không dám đuổi bắt kẻ cướp trên đường, vì rất sợ bị liên lụy, nhất là với bọn côn đồ…”, GS Lân Dũng dẫn chứng.
Không chỉ do xã hội, do nền kinh tế, theo GS, nguyên nhân sâu xa là ở: “Người dân nói không ai nghe. Góp ý mà không được đáp ứng, không được tiếp thu”.
“Ngay gần nhà tôi, chỗ ngã sáu Trần Hưng Đạo, gần đây đã xảy ra vụ cháy bồn xăng. Nhưng đến giờ, nhà dân và hàng quán vẫn chưa được di rời ,mặc dù dưới đó là bể xăng, và cách đó chưa đầy 5 mét có 2 bếp tổ ong lúc nào cũng đỏ lửa (!). Hầm xăng, có thể nổ lúc nào không biết, và hậu quả thật khó lường. Người dân khu tập thể đã kiến nghị, góp ý nhưng chẳng ai nghe (!)
Hay bản thân tôi đã nhiều lần kiến nghị về Chương trình và bộ SGK Sinh học phải làm ngay ,vì chẳng giống nước nào, vừa rất nặng lại rất thấp (!). Cũng cần có nhiều bộ SGK để cạnh tranh nhau như mọi hàng hóa khác (Nhà nước không cần tốn tiền, vì đây là công việc của nhiều Nhà xuất bản và các nhóm tác giả).
Sao không giao cho các Hội chuyên ngành biên soạn một Chương trình chuẩn? Sao phải đợi đến 2015 mới khởi động? Tôi nói mãi rồi mà không ai nghe. Tôi cũng chán nên chẳng muốn góp nữa. Góp ý kiến mà không được đáp ứng thì đừng nói người ta là vô cảm”, GS Lân Dũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Câu chuyện văn hóa giao thông cũng là một ví dụ điển hình về xã hội không nghiêm minh. GS cho biết: Ở Việt Nam, người dân đua nhau vượt đèn đỏ vì họ không bị phạt, còn ở nước ngoài thì bị phạt rất nặng. Hơn nữa, ở nước họ, hầu như không thấy công an giao thông ở các ngã tư nhưng không ai vượt đèn đỏ bởi họ có văn hóa “nhường” khi thấy có các xe đối đầu tại ngã tư. Văn hóa này mình tuyệt nhiên không có (!).
Còn vỉa hè đang mất dần chỗ cho cơm bụi, cháo phở, nước mía, rửa xe, bơm xe... làm cho người dân phải đi xuống lòng đường. Mà hai bên đường thì xếp đầy ô tô (nộp tiền cho cán bộ giao thông, không hiểu ngân sách có thu được gì không?). Thế thì làm gì mà không dễ dàng xảy ra tai nạn? Tất cả những chuyện ấy khiến người dân đang mất dần niềm tin vào trật tự xã hội.
Vô cảm nguy hiểm nhất là “makeno”
Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, vô cảm của người Việt không dừng lại ở đó mà chính sự thờ ơ, bàng quang trước tình hình của đất nước, xã hội, không muốn đóng góp ý kiến, thái độ sống “MAKENO” là sự vô cảm lớn nhất, nguy hiểm hiện nay.
Từ lâu Bác Hồ đã khẳng định "Nước ta là một nước dân chủ" (HCM toàn tập, NXB CTQG, 1995, T.6, r. 515). Nếu biết lắng nghe tâm tư của nhân dân, nhất là của giới trí thức, thì nhẽ ra trong thời điểm hiện nay không nên vội sa lầy vào chuyện Sửa đổi Hiến pháp, sửa lời Quốc ca, tìm quốc hoa, quốc phục... Rất tốn tiền bạc, công sức mà đúng là "lợi bất cập hại" !
“Vô cảm là do người dân không muốn đóng góp ý kiến, nói không ai nghe. Vô cảm lớn nhất hiện nay là chỉ biết lo cho " nồi cơm" nhà mình mà quên đi xã hội. Vô cảm không giúp thúc đẩy xã hội lên được. Không phải người dân vô cảm mà bởi xã hội không sớm giải quyết những điều họ bức xúc”, GS Lân Dũng khẳng định.
Thay cho lời kết, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Người Việt Nam không vô cảm đâu, họ chỉ vô cảm khi nói không ai nghe. Xã hội có dân chủ thì người dân sẽ không vô cảm nữa.
“Để đẩy lùi vô cảm thì đất nước cần thực hiện dân chủ. Vô cảm lớn nhất của người Việt chính là thái độ bàng quang trước tình hình của xã hội, không muốn đóng góp ý kiến cho sự phát triển của đất nước. Phải tìm đúng nguyên nhân thì đất nước mới có thể có những bước bứt phá lên nhanh chóng về mọi mặt”, GS Lân Dũng tái khẳng định.

 Soha.vn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét